CÁC BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN - NĂM C | CHA TỔNG ĐẠI DIỆN MICAE TRỊNH NGỌC TỨ

18/02/2025
299


BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN - NĂM C
BÀI 1

Kính thưa anh chị em, bài Tin mừng hôm nay có rất nhiều vấn đề, nhiều giáo huấn mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ. Nhưng ở đây chỉ xin chia sẻ một vấn đề, đó là tha thứ. Thật vậy, Chúa Giêsu trong bài Tin mừng đã mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Đây là một điều hết sức khó khăn đối với con người chúng ta. Thật khó mà tha thứ cho những người có lỗi với mình.

Thật vậy, chúng ta nhớ lại dụ ngôn tên đầy tớ mắc nợ ông chủ mười ngàn yến vàng trong Tin mừng thánh Mattheu. Anh ta quả thực là một tên độc ác. Quả thật, Ông chủ đã hết cả món nợ cho anh ta, nhưng khi vừa ra đến cổng gặp người bạn nợ anh ta chỉ có một trăm quan tiền thôi, ấy thế mà anh ta túm lấy người bạn, bóp cổ và đòi nợ cho kỳ được. Trong khi đó, người bạn đã sấp mình xuống van xin anh ta, nhưng anh ta vẫn tống người bạn vào trong ngục. Qua đó chúng ta thấy con người quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho mình mà thôi. Bản thân chúng ta cứ cầu mong, cứ van xin người khác tha thứ cho mình, trong khi đó, mình lại không muốn tha thứ cho những người mắc nợ, mắc lỗi với chúng ta. 

Và khi nói tới sự tha thứ, chúng ta không quên Simon Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu rằng: Thưa Thầy, nếu người anh em của con mà xúc phạm con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải là đến bảy lần không? Phêrô nghĩ rằng tha thứ đến bảy lần là tốt lắm rồi. Bởi vì người ta thường nói: phá tan ba bận, nghĩa là cùng lắm thì tha thứ ba lần thôi. Đàng này Phêrô có cái nhìn rộng hơn, tha thứ đến bảy lần. Thế còn Chúa Giêsu thì sao? Ngài không dạy chúng ta chỉ tha có bảy lần, nhưng tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Nếu làm phép tính nhân, thì cũng là con số lần tha thứ khủng: bốn trăm chín mươi lần tha thứ. Thế nhưng Chúa Giêsu lại không có ý nói như thế, mà Ngài muốn rằng sự tha thứ là không biên giới, không có giới hạn. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tha thứ liên tục, tha thứ mãi mãi, tha thứ vô điều kiện.
Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, tha thứ lại là vẫn đề hết sức khó khăn. Đây là một trong những điều mà con người khó thực hiện, nhất nữa lại tha thứ theo kiểu Chúa Giêsu thì lại càng khó hơn biết chừng nào. Tại sao có nhiều kẻ thù? Lý do hiển nhiên, đó là con người không tha thứ cho nhau. Tại sao tình trạng ly hôn, ly thân vợ chồng ngày càng gia tăng? Nguyên nhân chính là cả hai người không thể tha thứ cho nhau và cuối cùng, đường ai nấy đi. Tình trạng này không loại trừ các cặp vợ chồng công giáo. Tất cả là vì trong cuộc sống gia đình thiếu sự tha thứ. Cả hai vợ chồng đều không thể tha thứ cho nhau và rốt cuộc dẫn đến họ trở nên kẻ thù của nhau. Có một điều chớ chêu, đó là: một đàng mình cần Chúa tha thứ tội lỗi cho mình, đàng khác, mình lại không muốn tha thứ cho người anh em. Vì thế, để chúng ta có thể tha thứ một cách dễ dàng, thì chúng ta phải tâm niệm rằng:

1/ Là con người, ai ai cũng có lỗi, có tội và chẳng ai là thánh. Cho nên người ta thường nói không ai tốt hoàn toàn và chẳng ai xấu tất cả. Vị thánh nào cũng có quá khứ cả. Điều quan trong là chúng ta phải luôn luôn ý thức được mình chỉ là tội nhân;

2/ Vì ý thức được như thế, cho nên chúng ta rất cần có sự tha thứ của Chúa và sự tha thứ của người khác và ngược lại, người khác cũng rất cần tới sự tha thứ của chúng ta. Cả hai bên đều cần đến nhau trong tình liên đới.

3/ Nếu Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác, bằng không thì chúng ta sẽ không được Thiên Chúa thứ tha.

Ước gì mỗi người chúng ta kín múc được từ nơi Chúa Giêsu, suối nguồn của sự tha thứ đích thực với lòng quảng đại phi thường. Mà muốn được như thế thì chúng ta phải có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ. Bởi vì khi chúng ta có được lòng nhân từ của Chúa rồi, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng cảm thông và tha thứ cho người anh em của mình. Amen!

SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN NĂM C
BÀI 2

Kính thưa anh chị em, “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các on, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa các con và cầu nguyện cho kẻ vu khống các con”. Đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Nhưng xem ra giáo huấn này sao mà khó thực hiện quá! Người ta thường nói: Kẻ thù không đội trời chung. Ấy thế mà Chúa Giêsu lại dạy bảo chúng ta phải yêu kẻ thù. Còn ai ghét mình thì mình ghét lại, chứ đằng này Chúa lại dạy chúng ta phải làm ơn cho kẻ ghét mình. Quả thật là khó thi hành! Thế nhưng thưa anh chị em, đó mới là nét đặc trưng của Tin mừng Chúa Kitô. Đây cũng là nét độc đáo của Tin mừng. Bởi vì sao? Bởi vì theo Chúa Giêsu, nếu chúng ta chỉ yêu thương những kẻ yêu thương mình mà thôi, thì những người tội lỗi họ cũng yêu thương kẻ yêu thương họ như thế. Như vậy thì có ân nghĩa gì đâu. Tương tự như thế, mình chỉ làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình mà thôi, thì nào có ân nghĩa gì đâu. Kể cả người tội lỗi, họ cũng làm như vậy.

         Phần Chúa Giêsu, Ngài đã sống những lời Ngài dạy. Thật vậy, Chúa Giêsu yêu thương nhân loại đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập giá. Cái chết của Ngài biểu lộ một tình yêu vô biên đối với cả nhân loại, trong đó người tốt cũng có, mà kẻ xấu tội lỗi cũng có. Ngài không phân biệt đối xử người lành hay người tội lỗi. Tất cả mọi người đều được Ngài ôm trọn vào trong vòng tay yêu thương của Ngài trên thập giá. Thật vậy, bao nhiêu kẻ nguyền rủa Ngài, khạc nhổ vào mặt Ngài, túm tóc, giật râu Ngài, bỏ vạ cáo gian Ngài, vả vào mặt Ngài thì trên thập giá, Chúa Giêsu đã tha thứ tất cả. Thậm chí kể cả những kẻ bắt Ngài vác cây thập giá và đóng đinh Ngài vào cây thập giá, thì cũng được Ngài tha thứ trước khi trút hơi thở cuối cùng: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Thành thử ra những giáo huấn của Chúa Giêsu thoạt tiên xem ra khó thực hiện, nhưng kỳ thực, chúng ta vẫn có thể thi hành, bởi vì chính Ngài đã làm gương cho chúng ta trước. Và với sức chịu đựng của con người cộng với ơn của Chúa, thì chúng ta có thể thi hành trọn vẹn giáo huấn của Chúa Giêsu.

         Tuy nhiên, để thi hành được giáo huấn này của Chúa Giêsu, thì đòi hỏi chúng ta phải có lòng nhân từ. Lòng nhân từ này không phải là lòng thương người hay lòng nhân từ của con người. Nó không bắt nguồn từ con người, nhưng nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa là Cha: “Các con hãy có lòng nhân từ, như Cha các con là Đấng nhân từ”. Như vậy có thể khẳng định rằng: Lòng nhân từ chính là đặc tính chính yếu của Thiên Chúa. Vì thế, là những người tin vào Thiên Chúa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy có lòng nhân từ giống như Cha trên trời. Nơi Thiên Chúa không có sự thù ghét, cho nên những người tin theo Chúa cũng phải sở hữu đặc tính này. Và khi chúng ta thực sự sở hữu đặc tính này của Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ dễ dàng thực thi giáo huấn của Ngài: Yêu thương và tha thứ cho kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

         Thưa anh chị em, tự sức mình, chúng ta sẽ không thể thực thi những giáo huấn triệt để của Chúa Giêsu. Thế nhưng dựa vào ơn Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ thi hành cách dễ dàng. Điều quan trọng ở đây là chúng ta có thật sự cộng tác với ơn Chúa hay không? Mỗi người có dám dấn thân lội ngược dòng như Tin mừng đòi hỏi hay không? Bởi vì tin theo Tin mừng của Chúa Kitô là dám can đảm lội ngược dòng. Bao nhiêu những nghịch lý của Tin mừng, thì chúng ta phải chấp nhận cho dù phải hy sinh cả đến tính mạng của mình. Các thánh nói chung và các thánh tử đạo Việt Nam đã chấp nhận như thế. Và các ngài đã chết vì tình yêu Chúa và yêu thương tha nhân. Ước gì chúng ta noi gương các ngài, để cũng sống trọn vẹn giáo huấn của Chúa Giêsu. Amen!

Rev. Micae Trịnh Ngọc Tứ
Tổng Đại Diện Giáo Phận Thanh Hóa